Báo Ứng Của Em Dâu - Chương 1
01
Tan làm xong, tôi lê thân xác mệt mỏi về đến nhà.
Vừa định rửa mặt nghỉ ngơi thì thấy ba mẹ và em trai đang ngồi trên sofa, mặt ai cũng khó coi.
Tôi ngơ ngác hỏi: “Ba mẹ sao thế? Trong nhà có chuyện gì à?”
Mẹ tôi là người lên tiếng trước, giọng trách móc gay gắt: “Con còn mặt mũi để hỏi à? Làm chị mà lại đi xúi em dâu ph/á th/ai là thế nào?”
Nghe thế, tôi bừng tỉnh.
Ba ngày trước, em dâu tôi – Tào Đình nói với tôi rằng nó lại có thai, hỏi tôi nên làm sao.
Tôi thực sự rất bất ngờ.
Vì mới chỉ hai tháng trước, Tào Đình vừa mới sinh con gái – bé Bình Bình, lại còn sinh mổ.
Lúc xuất viện, bác sĩ dặn kỹ: phải nghỉ ngơi tầm hai, ba năm, đợi tử cung hồi phục rồi mới được mang thai lại.
Ai ngờ vừa hết tháng ở cữ, nó lại dính bầu tiếp.
Nghĩ cho sức khỏe của nó, tôi mới khuyên nên b/ỏ cá/i thai này đi, chờ dưỡng người khỏe rồi tính sau.
Nhìn tình hình hôm nay, chắc chắn Tào Đình đã kể chuyện p/há t/hai này với ba mẹ và em trai rồi.
Thế là tôi thản nhiên nói: “Mẹ à, Tào Đình sinh mổ, bác sĩ đã dặn phải nghỉ vài năm mới được có thai lại. Đứa con này vốn không nên giữ. Sao con lại bị nói thành xúi người ta ph/á th/ai?”
Ba tôi đập bàn tức giận: “Đám bác sĩ đó thì biết cái quái gì! Tháng ở cữ cũng xong rồi, mang thai thì có sao? Con nhìn lại em con đi, năm nay cũng 27 rồi, giờ mới có một đứa con gái, nói ra ngoài, mặt mũi ba để đâu hả? Dù thế nào thì cái thai này cũng không được bỏ, nhất định phải sinh!”
Thấy ba cố chấp như vậy, tôi chuyển sang nhìn em trai: “Hồng Lượng, em là chồng của Tào Đình, em thấy nên làm thế nào?”
Lúc hỏi câu đó, tôi vẫn nghĩ rằng em tôi còn trẻ, suy nghĩ chắc sẽ thoáng hơn ba mẹ.
Nếu nó – với tư cách là chồng lên tiếng bảo vợ phá thai, thì ba mẹ dẫu không vui cũng chẳng làm gì được.
Ai ngờ, Vương Hồng Lượng lại đáp không chút do dự: “Đã mang rồi thì đương nhiên là sinh! Một đứa cũng là nuôi, hai đứa cũng là nuôi, làm sớm xong sớm, sau này đỡ mệt. Với lại, giờ y học phát triển thế rồi, sinh con mà ch.t người á? Vớ vẩn.”
Nghe tới đây, huyết áp tôi như muốn tăng vọt. Tôi đang định phản bác thì thấy Tào Đình từ phòng bước ra.
Tôi nghĩ chắc nó nghe câu kia xong cũng khó chịu, bèn bước đến an ủi: “Em yên tâm, chị sẽ giúp em khuyên Hồng Lượng. Dù gì thì sức khỏe em vẫn là quan trọng nhất.”
Không ngờ, Tào Đình lại tươi cười, thản nhiên đứng cạnh em tôi: “Chuyện này không cần chị lo đâu. Hồng Lượng nói rồi, chỉ cần em sinh được con trai cho ảnh, sau này lương ảnh đưa hết cho em giữ. Ảnh đã chịu cưng chiều em như vậy, thì em nhất định sẽ sinh con trai cho ảnh. Còn chị… chị có ý gì mà lại khuyên em ph/á th.a.i? Em dự sinh vào năm Rồng đó, nhỡ đâu nghe chị phá mất rồng con của em, em có hối cũng chẳng kịp!”
Nhìn thấy bộ dạng này của Tào Đình, tôi còn chưa hiểu ra vấn đề thì đúng là ngốc.
Nó tìm đến tôi hỏi ý kiến không phải thật sự muốn ph/á th/ai, mà chỉ là muốn lợi dụng tình huống để ra giá với Hồng Lượng – khiến đứa con trong bụng có “giá trị” hơn, ép được nhiều lợi ích hơn.
Đã vậy thì tôi cũng chẳng còn gì để nói.
Thân thể là của nó, nó không xót thì tôi đau lòng làm gì?
Nghĩ thông rồi, tôi chẳng buồn đôi co nữa, chỉ muốn đi ngủ cho xong.
Nhưng chưa kịp bước đi, mẹ tôi lại nói: “Vốn dĩ đợi Tào Đình ra tháng thì để nó tự chăm Bình Bình, nhưng giờ nó lại có thai thì sao trông con được. Mà ba mẹ thì sức khỏe không kham nổi, nên ba mẹ tính mời bảo mẫu về chăm. Một tháng khoảng tám nghìn, Hồng Lượng đi làm vất vả, con là chị nó thì giúp nó một tay đi. Mỗi tháng con phụ bốn nghìn là được rồi.”
Câu này khiến tôi tức đến bật cười.
“Vương Hồng Lượng kiếm tiền vất vả, còn con thì kiếm tiền dễ lắm chắc?”
Tôi chỉ lên chiếc đồng hồ treo tường, nhìn mẹ mà thất vọng: “Mẹ tự nhìn xem bây giờ là mấy giờ rồi? Con gái mẹ tăng ca đến tận mười một giờ mới về nhà, không một câu hỏi han, ngược lại cả nhà cùng nhau đấu tố con? Nói xong rồi còn muốn lột thêm một lớp da của con nữa? Đừng hòng.”
02
Nói xong, tôi mặc kệ bọn họ, quay người trở về phòng.
Tôi biết ba mẹ từ nhỏ đã thiên vị Vương Hồng Lượng, cái gì tốt cũng ưu tiên cho nó trước.
Tôi không phải chưa từng oán trách.
Chỉ là oán trách thì cũng chỉ tự bào mòn mình, chẳng ích gì, nên tôi thường tự khuyên mình hãy rộng lòng, đừng quá tính toán mấy chuyện nhỏ nhặt.
Nhưng hôm nay, bọn họ lại đường hoàng yêu cầu tôi bỏ tiền túi ra để phụ giúp em trai, lại một lần nữa đâm vào trái tim vốn đã chằng chịt vết thương của tôi.
Thôi thì, kệ họ vậy.
Dù sao về sau, tôi chỉ làm tròn trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ.
Còn cái thứ gọi là “chị gái thánh thiện lo cho em”, tôi tuyệt đối không làm!
Sau chuyện đó, ba mẹ cũng biết tôi cố chấp, không nhắc lại chuyện đưa tiền thuê bảo mẫu cho Vương Hồng Lượng nữa.
Cuối cùng thì việc chăm Bình Bình do ba mẹ và Tào Đình thay phiên ở nhà trông nom.
Nhưng chẳng bao lâu, Tào Đình cũng không thể trông nữa.
Vì mang thai lần hai khiến cô ta ốm nghén cực kỳ nghiêm trọng, ngày nào cũng nôn đến trời đất quay cuồng, ăn không nổi, ngủ cũng chẳng yên.
Khác hoàn toàn lúc mang thai Bình Bình.
Nhưng càng khó chịu bao nhiêu, Tào Đình lại càng vui mừng bấy nhiêu.
Cô ta đắc ý nói:
“Lúc mang Bình Bình thì không có triệu chứng gì cả, nhưng lần này phản ứng mạnh lắm. Em đoán tám chín phần là con trai nên mới khác biệt vậy đó.”
Câu nói này làm ba mẹ tôi cười toe toét, khen mãi không thôi.
Chỉ có tôi vẫn bình tĩnh khuyên:
“Bầu đến giờ cũng khá lâu rồi, em nên đi khám thai đi.”
“Khám với chả khám, chỉ tổ tốn tiền.”
Mẹ tôi bày ra vẻ hiểu biết, nói như rút từ kinh nghiệm xương máu:
“Hồi đó tụi tao có biết khám là gì đâu, cũng vẫn đẻ được mày với thằng Lượng khỏe mạnh đấy thôi. Khám thai chỉ là chiêu móc tiền của bệnh viện, chuyên để gạt dân mình. Tốn tiền đó thà để bồi bổ cho Tào Đình còn hơn.”
Tào Đình vốn rất biết cách lấy lòng mẹ tôi, nghe xong lập tức phụ họa:
“Đúng vậy đó, lần trước lúc mang Bình Bình, em cũng tốn kha khá tiền khám thai, cuối cùng chẳng sao cả, mất tiền oan. Lần này em nghe mẹ.”
Thấy con dâu ngoan ngoãn nghe lời, mẹ tôi vô cùng hài lòng, không quên nhân tiện châm chọc tôi vài câu:
“Thấy chưa, Tào Đình hiểu chuyện biết bao. Còn mày, gần ba mươi rồi mà chưa có chồng, chính là do cái tật ương bướng đó hại đó.”
Nhưng chưa kịp dứt lời, ba tôi đã lên tiếng bênh vực tôi:
“Con bé Tân Dao nhà mình giỏi giang như vậy, có chút tính khí cũng bình thường thôi. Sau này lấy chồng rồi biết thu lại là được.”
Thật hiếm thấy.
Nếu nói ai trọng nam khinh nữ, thì ba tôi chắc chắn nặng hơn mẹ tôi gấp bội.
Mẹ dù sao cũng là phụ nữ, còn có chút thương tôi.
Còn ba thì đúng chuẩn đại diện của chủ nghĩa trọng nam.
Hồi tôi đậu đại học, ông chẳng muốn cho đi học, chỉ mong tôi nhanh chóng gả ra ngoài đổi lấy sính lễ.
Cũng nhờ tôi năn nỉ mẹ cả tuần, bà mới lay chuyển.
Nhưng đúng lúc tôi còn đang bất ngờ, ba đã nói ra lý do thật sự:
“Tân Dao à, đợi đứa trong bụng Tào Đình chào đời, nhà mình chắc không đủ phòng ở nữa. Em con dù sao cũng đã có gia đình, cũng nên để vợ chồng nó có không gian riêng. Ba thì không ra gì, Hồng Lượng cũng không kiếm được bằng con, chuyện mua nhà đành trông chờ vào con vậy. Dĩ nhiên, cũng không bắt con chịu thiệt. Coi như Hồng Lượng mượn con, được chứ?”
Xem ra thái độ dứt khoát lần trước của tôi đã giúp ba học khôn hơn.
Biết tôi sẽ không cho nếu nói thẳng, nên giờ ông lách qua đường vòng, lấy danh nghĩa “mượn tiền” cho êm chuyện.
Nếu tôi sinh ra trong một gia đình công bằng, thì chẳng cần ba mở miệng, tôi cũng sẵn lòng giúp Hồng Lượng mua nhà.
Dù sau này nó không trả lại, tôi cũng coi như báo hiếu cho ba mẹ.
Nhưng cái nhà này thì đã có “tiền án” hút máu rồi, sao tôi lại tự biến mình thành kẻ ngốc lần nữa?
Tôi bèn thở dài:
“Nhưng con gái ba cũng đâu có ra gì. Nếu con có bản lĩnh, đã tự mua nhà cho mình rồi. Ba trông vào con thì chi bằng trông vào mẹ đi.”
Ba tôi khó hiểu:
“Mẹ con thì có gì để trông vào?”
“Chỗ con làm có bà cụ, mấy năm trước bà ấy tìm được ông già nhà giàu, moi được một đống tiền cho con trai mua nhà, còn cưới được vợ. Giờ ông kia còn dùng tiền hưu trí nuôi cháu ngoại nữa kìa. Nên ba không có bản lĩnh thì cũng không sao, để mẹ đổi lấy ông chồng có bản lĩnh hơn là được.”
Nghe tới đây, ba tôi sững người thấy rõ.
Rồi khi hoàn hồn lại, ông đập bàn quát:
“Vương Tân Dao! Mày muốn tạo phản đúng không? Mày nói chuyện với ba kiểu gì đấy? Sách vở học xong rồi đổ hết vào bụng chó à?”
Tôi lạnh nhạt nhìn ông, cười nhạt:
“Nếu một trận lôi đình của ba có thể khiến ba nhận ra con sẽ không bao giờ làm cái máy rót tiền cho em trai, vậy thì ba cứ tức giận đi. Có đập nát cái nhà này con cũng không cản.”
Thấy tình hình sắp thành chiến tranh gia đình, Tào Đình vội bước ra giảng hòa:
“Ba, ba đừng giận. Chị chắc chắn không cố ý cãi lại ba đâu. Chị nói cũng đúng, kiếm tiền đâu dễ dàng gì. Mình đòi chị bỏ ra nhiều tiền vậy, chị không vui cũng phải.”
Nghe đến đây, tôi còn tưởng cô ta thật lòng muốn hòa giải.
Nào ngờ, cô ta chuyển giọng, quay sang tôi nói tiếp:
“Nhưng ba nói cũng có lý. Đợi em sinh đứa này ra, nhà mình sẽ thiếu phòng. Em muốn đổi cho Bình Bình và em bé một phòng riêng. Nếu chị không muốn cho tụi em vay tiền mua nhà, thì em có một cách khác.”
“Cách gì?”
“Em thấy phòng chị cũng rộng, sửa lại thành phòng cho em bé thì quá hợp lý.”
Tôi nhìn cô ta, giọng điệu nhàn nhạt:
“Thế sau đó tôi ở đâu?”
Tào Đình cười mà như không cười:
“Nhà mình còn cái phòng chứa đồ mà. Dù nhỏ chút nhưng để cái giường vẫn được.”
Nghe vậy, mẹ tôi lên tiếng:
“Phòng chứa đồ sao ở được? Để Bình Bình ngủ với mẹ, con với Hồng Lượng ngủ với em bé. Vẫn đủ chỗ ở.”
Câu đó khiến tôi nhẹ nhõm đôi chút.
Dù mẹ thương con trai, thương cháu hơn, nhưng tôi dù sao cũng là đứa con bà mang nặng đẻ đau, không đến mức vô tình tuyệt đối.
Thế mà Tào Đình nghe xong liền sa sầm mặt:
“Bình Bình là con gái thì thôi đi. Đứa trong bụng con tám chín phần là con trai, lại là rồng vàng đầu tiên trong nhà, chẳng lẽ không được có phòng riêng? Nếu mẹ không coi trọng cháu trai, vậy con phá thai cho rồi.”
Cô ta nắm đúng điểm yếu của mẹ tôi.
Mẹ vừa nghe đến đó, lập tức đổi giọng:
“Cháu trai của mẹ sao có thể phá được. Hay là… Tân Dao, con dọn qua phòng chứa đồ trước đi?”
Nghe vậy, Tào Đình liền mỉm cười mãn nguyện:
“Vậy quyết định vậy đi. Dù sao chị cũng gần ba mươi rồi, sau này lấy chồng cũng chuyển ra ngoài thôi. Chị chẳng lẽ định ở nhà mãi à?”
Nhìn gương mặt giả tạo kia, tôi chợt thấy mình thật nực cười.
Trước kia tôi cũng từng mơ hồ cảm thấy Tào Đình không ưa gì mình.
Nhưng tôi tự nhủ, từ khi cô ta gả vào nhà, tôi chưa từng làm khó, chắc không đến mức vô cớ ghét bỏ.
Nghĩ cô ta xa nhà không quen, tôi còn thường xuyên dẫn cô ta ra ngoài chơi, giúp cô ta dần tìm được cảm giác thuộc về nơi này.
Cô ta đối tốt với tôi, tôi cũng tin đó là thật.
Giờ nghĩ lại, trực giác ban đầu của tôi mới là đúng.
Tào Đình ghét tôi, chỉ vì tôi chưa lập gia đình, chiếm lấy một phòng ngủ trong nhà.
Và giờ, khi tôi nhìn ba mẹ, nhìn em trai – những người thân cùng máu mủ, nhưng lại chẳng ai phản đối cô ta, tôi cuối cùng đã hiểu:
Con gái, khi đã lớn, thật sự là chẳng còn nhà để về.
Nghĩ vậy, tôi lẳng lặng quay về phòng, bắt đầu thu dọn đồ đạc, định rời khỏi cái nhà máu lạnh này.
Mẹ thấy tôi hành động như vậy, cuống lên:
“Con làm gì đó? Chỉ bảo con đổi phòng chứ có đuổi con đi đâu.”
Tôi cười khẩy:
“Vậy con có nên cảm ơn mọi người không?”
Một câu thôi khiến mẹ cứng họng.
Rất nhanh, tôi thu dọn đồ xong.
Nhưng lúc dọn đến bàn trang điểm, tôi phát hiện mất một chai nước hoa.
Đó là nước hoa Chanel, mùi tôi rất thích.
Mấy hôm trước Tào Đình kêu ngửi mùi gì cũng muốn nôn, nên mượn dùng tạm.
Thực ra một chai nước hoa chẳng đáng là gì, cho cô ta cũng được.
Nhưng giờ cô ta đã trở mặt, tôi đương nhiên không thể để mình thiệt.
Tôi hỏi thẳng:
“Chai nước hoa trước em mượn đâu rồi?”
Tào Đình liếc mắt tránh né:
“Hôm kia em trả chị rồi mà.”
Tôi chắc chắn cô ta chưa trả.
Ý cô ta là muốn quỵt.
Tôi ném hành lý xuống đất:
“Nếu đã muốn tôi dọn đi, thì đồ đạc cũng phải đủ. Không thấy nước hoa thì tôi không đi nữa đâu.”
Giờ mà tôi không đi, ai nấy cũng lúng túng.
Cuối cùng, Tào Đình miễn cưỡng quay về phòng, lấy chai nước hoa ra đưa.
Tôi cầm lấy, ném mạnh xuống đất.
Tiếng “choang” vang lên, khiến cả nhà giật mình.
Tôi lạnh lùng nhìn cô ta:
“Đập vỡ rồi, cũng không cho cô.”
Nhìn gương mặt tái mét của Tào Đình, tôi mới hả giận đôi chút.
Nếu cái nhà này không ai cần tôi, thì tôi đi là xong.
Chỉ không ngờ, tôi mới chuyển ra ngoài được hai ngày, nhà đã có chuyện.