Hào Quang Để Dành - Chương 1
1.
Khi chương trình Thanh Xuân Ký đến trường tôi tuyển chọn, chỉ có tôi và hoa khôi lớp – Tần Tư – tham gia.
Khác biệt duy nhất là:
Tần Tư tự nguyện đăng ký.
Còn tôi… điền nhầm đơn.
Trong lớp học, dưới ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người, Tần Tư duyên dáng đứng dậy, khẽ vén lọn tóc bên tai, mỉm cười nói:
“Thưa thầy, bài vở của mọi người đều rất nặng, trùng hợp là em biết nhảy jazz, vậy để em đại diện lớp mình tham gia nhé?”
Giáo viên chủ nhiệm nhìn cô ta với ánh mắt tán thưởng, hài lòng gật đầu.
“Được, lần này em sẽ đại diện lớp mình tham gia.”
Lời còn chưa dứt, ánh mắt thầy lướt qua bảng đăng ký trên bục giảng, bất giác cau mày, khẽ cười khẩy:
“Sao? Hứa Du Du cũng đăng ký? Em tham gia làm gì? Muốn bôi nhọ danh tiếng trường học à? Đây là chương trình hot nhất cả nước đấy, còn lên truyền hình nữa!”
Mà Hứa Du Du chính là tôi.
Tôi cau mày, cuối cùng cũng nhận ra có gì đó sai sai.
Tôi điền nhầm đơn sao?
Lẫn lộn giữa đơn đăng ký Thanh Xuân Ký và kỳ thi Toán Olympic?
Tôi còn chưa kịp giải thích thì cả lớp đã cười ầm lên.
Ai nấy đều nhìn tôi với vẻ mặt khoa trương, không chút che giấu mà cười nhạo:
“Con mọt sách cũng đi thi Thanh Xuân Ký? Lên sân khấu biểu diễn làm bài trắc nghiệm à? Cười chết mất!”
“Này, đừng nói thế, nhỡ đâu cô ta lên sân khấu biểu diễn nuốt sống chai bia thì sao? Kính cô ta dày y như đáy chai bia đấy!”
“Mà này, nhà cô ta nghèo vậy, chắc gì đã mua nổi trang phục biểu diễn? Tôi thấy cô ta quanh năm suốt tháng chỉ mặc đồng phục.”
“Đúng thế, mà đứng cạnh hoa khôi thì chẳng phải kéo tụt nhan sắc trung bình xuống à?”
Giữa những lời mỉa mai xung quanh, giáo viên chủ nhiệm đẩy gọng kính trên sống mũi, chậm rãi nói:
“Chương trình này dành cho khán giả cả nước, mỗi lớp chỉ có một vài suất. Dù thầy luôn khuyến khích các em đăng ký, nhưng thầy vẫn nghĩ những bạn không có tế bào nghệ thuật thì đừng tham gia thì hơn.”
Tôi không biểu cảm, cũng đẩy nhẹ gọng kính của mình.
Mắt kính dày như đáy chai bia, mái tóc mái dày che trán, hình tượng mọt sách nghèo nàn xấu xí.
Đây luôn là hình tượng của tôi trong trường học.
Cũng là hình tượng mẹ bắt tôi duy trì.
Vốn dĩ tôi định giải thích sự nhầm lẫn này.
Nhưng nghe thấy lời đó, tôi không nhịn được mà đứng dậy, hỏi lại:
“Thầy vừa khuyến khích học sinh tham gia, vừa bảo người bình thường đừng tham gia, chẳng phải mâu thuẫn sao?”
Giáo viên chủ nhiệm bị tôi làm nghẹn lời, có chút không xuống nước nổi.
Tần Tư cũng bất ngờ liếc nhìn tôi một cái.
Rồi sau đó cô ta quay đầu, khẽ cười nói:
“Người bình thường cũng có quyền theo đuổi ước mơ.”
“Dù Hứa Du Du không có năng khiếu gì, nhưng dũng khí của cô ấy vẫn đáng được khích lệ, đúng không? Thầy cứ để cô ấy tham gia đi, coi như có bạn đồng hành với em.”
Trong chốc lát, hình tượng “hiền lành rộng lượng, sẵn sàng giúp đỡ bạn học” của Tần Tư lan truyền khắp lớp.
Còn tôi, hình tượng “thằng hề nhảy nhót gây chú ý” coi như bị đóng đinh.
Giáo viên chủ nhiệm không còn cách nào khác, chỉ có thể hừ lạnh:
“Được thôi, đã nộp đơn thì cứ tham gia đi. Đến lúc mất mặt thì đừng có nói mình là học sinh lớp này.”
Tôi nhún vai bất đắc dĩ.
Mất mặt?
Không tồn tại đâu.
2.
Tan học.
Tần Tư chủ động bước đến bàn tôi, khoanh tay trước ngực, nhìn tôi từ trên xuống dưới.
“Không ngờ cậu cũng đăng ký đấy, thật khiến người ta bất ngờ. Cậu biết gì nào? Nhảy múa, chơi đàn, thư họa?”
Tôi khẽ nói: “Biết một chút.”
Không ngờ câu này vừa thốt ra, cả lớp – vốn đã dựng tai hóng chuyện – lập tức cười ầm lên.
Tần Tư cũng kín đáo cong môi, rồi cất giọng không to không nhỏ:
“Đừng tưởng tôi không biết cậu định làm trò gì. Cậu thích Lê Sơ đúng không? Muốn gây chú ý trước mặt cậu ấy à?”
Ánh mắt cô ta rơi xuống chỗ nam sinh bên cạnh.
Cậu ấy đang cúi đầu học từ vựng tiếng Anh.
Lê Sơ – nam thần của trường.
Tần Tư thầm thích Lê Sơ, tôi chắc chắn là người đầu tiên phát hiện ra.
Hồi lớp 10, tôi và Tần Tư chơi khá thân.
Cô ta rực rỡ, chói lóa, mà chơi với tôi chỉ để biến tôi thành “cái lá xanh”, tôn lên sự nổi bật của cô ta.
Ban đầu vẫn yên ổn, cho đến khi cô ta phát hiện tôi hay lén nhìn Lê Sơ trong một khoảng thời gian.
Từ đó, tôi trở thành “kẻ địch trong tưởng tượng” của cô ta.
Rồi cô ta bắt đầu kích động bạn bè cô lập tôi.
Nhưng tôi học khá tốt, mà lớp tôi phần lớn đều muốn vào đại học danh giá, chẳng ai rảnh rỗi mà đối đầu với tôi.
Dần dà, cô ta thấy cách này không hiệu quả, liền tung tin tôi ăn cắp đồ của cô ta, nói tôi vừa nghèo vừa xấu, giả vờ chăm chỉ mỗi ngày.
Thế là mối quan hệ của tôi với cả lớp ngày càng tệ.
Tần Tư cười lạnh:
“Tôi khuyên cậu một câu thật lòng, đừng phí thời gian thi thố làm gì. Thay vì lo tranh giành đàn ông, chi bằng chăm chỉ làm bài tập đi.”
Nghe vậy, tôi chẳng giận, chỉ bất đắc dĩ thở dài:
“Được được, cậu tham gia là vì vinh quang lớp học, còn tôi tham gia là để đấu đá phụ nữ. Tóm lại, lời hay lời xấu đều bị cậu nói hết rồi.”
Tần Tư ngẩng cằm: “Tôi nói sai sao? Cậu dám nói cậu không thích Lê Sơ à?”
Tôi dám chứ.
Vừa định mở miệng, nhưng Tần Tư đã ra vẻ lười nghe.
Cùng lúc đó, Lê Sơ – người vẫn đang học từ vựng – bỗng ngẩng đầu lên.
Cậu ấy cau mày nhìn tôi, do dự một lát rồi nói:
“Cậu đăng ký vì tôi à? Không cần phải cạnh tranh với Tần Tư đâu. Cô ấy học nhảy từ nhỏ, cậu không bằng được đâu. Hơn nữa… tôi không thích cậu, mong cậu hiểu.”
Nhìn Lê Sơ trước mặt, khóe miệng tôi giật giật, thở dài một hơi:
“Nói ra chắc cậu không tin, thật ra tôi điền nhầm đơn. Nhưng giờ thì tôi đổi ý rồi, mà hình như cũng chẳng khác biệt lắm.”
Không phải tôi mạnh miệng đâu, chuyện này còn phải kể từ mẹ tôi.
Mẹ tôi là một người trọng sinh.
Từ cổ đại trọng sinh đến hiện đại.
Bà nói kiếp trước bà là sủng phi tinh thông cầm kỳ thư họa trong cung. Nhưng thất bại trong cung đấu, cuối cùng trầm uất mà chết.
Kết quả xuyên đến hiện đại, bà phát hiện không cần lấy lòng đàn ông cũng có thể có cuộc sống tốt.
Thế là bà “rửa tay gác kiếm”, lăn lộn thương trường.
Không chỉ lấy đủ loại bằng cấp, mà còn mở mấy nhà máy, trở thành nữ doanh nhân thành đạt.
Có kinh nghiệm này rồi, bà cực kỳ nghiêm khắc với tôi.
Từ ba tuổi đã bắt tôi học đủ thể loại năng khiếu.
Thành tích học tập không cần xuất sắc, nhưng mỗi năm bắt buộc phải nắm vững hai kỹ năng mới.
Nhưng có một quy tắc duy nhất: Trước 17 tuổi, phải biết “giấu tài”.
Không cho tôi tham gia bất kỳ cuộc thi nghệ thuật nào.
Bà nói: “Sự tán thưởng quá sớm sẽ khiến thiên tài lụi tàn. Biết giấu tài mới là đạo sinh tồn.”
Ban đầu tôi không hiểu.
Cảm thấy học mấy thứ này chẳng có ích gì, cũng chẳng cần giấu làm gì.
So với tài nghệ, tôi thích học hơn.
Thích học – đúng là sở thích quá ít người có.
Cho đến một ngày, mẹ xoa đầu tôi, nhẹ giọng nói:
“Chẳng lẽ con không muốn có một ngày, trước mặt những kẻ coi thường con, ‘ra tay’ một vố thật hoành tráng sao?”
Lúc nhỏ tôi không hiểu “ra tay một vố hoành tráng” là gì.
Không ngờ cơ hội “chơi lớn” lại đến sớm thế này.
Lê Sơ không tin, chỉ nhíu mày nói:
“Cậu làm vậy khiến tôi rất khó xử. Chúng ta đều là học sinh, tốt nhất cậu đừng đặt tâm tư lên người tôi. Dù cậu có thay đổi thế nào, tôi cũng sẽ không để ý đến cậu.”
Nói xong, cậu ta vờ như phong độ, đút tay vào túi quần, rời khỏi lớp.
Anh bạn à, trông cậu chẳng có vẻ khó xử tí nào đâu.
Tôi buồn bã thở dài.
Tốt lắm, tôi lại có thêm một cái “nhân thiết”.
Một con “chó liếm” si tình mà không được hồi đáp.