Mỹ Nhân Sứ - Chương 1
01.
Con gái trong làng được nuôi nấng vô cùng cẩn thận, như những viên ngọc quý.
Những ai có ngoại hình xuất chúng, sau khi tròn 18 tuổi sẽ được gả lên thành phố, hưởng phúc cả đời.
Hôm nay là sinh nhật 18 tuổi của chị họ tôi, cả làng đều tụ tập đến dự tiệc.
Sau khi mọi người ăn uống no nê, họ sẽ tiễn chị lên kiệu hoa về nhà chồng.
Đây là truyền thống của làng, mấy chục năm nay chưa từng thay đổi.
Các cô gái trong làng đều rất ngưỡng mộ chị họ.
Nhà chồng chị ấy đưa sính lễ tận sáu mươi vạn (~2.1 tỷ), từ nay về sau có thể sống sung túc nơi thành phố xa hoa.
Tôi cũng không kém bao nhiêu, chỉ nhỏ hơn chị ấy một tháng.
Nửa năm trước, trưởng làng đã chụp ảnh tôi, mang ra ngoài tìm kiếm người chồng phù hợp.
Mẹ tôi còn biếu trưởng làng mấy con gà mái già, khẩn thiết dặn dò:
“Con gái tôi đẹp lắm, xin trưởng làng nhất định phải tìm một gia đình tốt.”
Tôi không hiểu.
Tại sao tìm chồng mà không để chúng tôi tự đi gặp mặt?
Tôi chưa từng ra khỏi làng, rất muốn biết thế giới bên ngoài trông như thế nào.
Nhưng cha mẹ tôi chỉ nói:
“Đây là truyền thống. Ở làng này, trưởng làng quyết định tất cả. Nghe lời ông ấy là đúng rồi.”
Quả nhiên, trưởng làng không làm cha mẹ tôi thất vọng.
Hai hôm trước, ông ta hớn hở thông báo rằng đã tìm được một gia đình danh giá cho tôi.
Đối phương là một đại gia, thích nhất là những cô gái thuần khiết, trong trẻo như hoa sen trên núi.
Sính lễ của tôi lên đến tám mươi vạn (~2.8 tỷ), cao nhất trong tất cả các cô gái làng.
Số tiền này không chỉ đủ để xây nhà mới, mà còn giúp anh trai tôi cưới vợ.
Cha mẹ tôi vui đến mức không khép miệng nổi, lập tức trở nên phấn chấn, đi đứng cũng ngẩng cao đầu hơn hẳn.
Bao nhiêu uất ức mà họ chịu đựng bao năm nay đều được quét sạch.
Họ vào nhà chị họ tôi, giọng nói oang oang, so với trước kia lớn hơn hẳn vài phần.
Chị họ đang ở phòng trong trang điểm.
Mấy cô gái cùng bàn cười đùa với tôi.
“Tiểu Nhã, tháng sau đến lượt cậu rồi đấy, chuẩn bị váy cưới chưa?”
“Tiểu Nhã này, mấy chị trước kia lấy chồng rồi chẳng ai quay về thăm chúng ta cả. Cậu sau này đừng như vậy nhé!”
“Đến lúc đó, Tiểu Nhã đi theo chồng rồi, chắc cũng chẳng nhớ chúng ta nữa đâu, ha ha…”
Những lời trêu chọc của bọn họ vang lên không ngớt.
Không hiểu sao, tôi thấy phiền.
Cũng đúng lúc buồn đi vệ sinh, tôi đứng dậy đi ra nhà xí.
Lúc lấy giấy, vô tình kéo ra một mảnh giấy nhỏ.
Trên đó, nét chữ xiêu vẹo viết một chữ:
“Chạy.”
02
Nhìn thấy chữ kia, tim tôi chợt lạnh toát.
Mảnh giấy này là ai đặt vào?
Vì sao lại bảo tôi chạy?
Chẳng lẽ tôi sắp gặp nguy hiểm?
Hay chỉ là một trò đùa ác ý?
Một loạt dấu hỏi dồn dập hiện lên trong đầu, khiến tôi vô cùng hoảng loạn.
Đúng lúc ấy, cửa nhà xí bị gõ mạnh.
“Tiểu Nhã, Tiểu Nhã, con vẫn chưa xong à?”
Tôi nghe ra, là giọng của mẹ tôi, trong lòng cũng an ổn đôi chút.
“Mẹ, vừa nãy con…”
Tôi vốn định kể với mẹ chuyện mảnh giấy, dù sao từ nhỏ đến lớn, cha mẹ vẫn luôn là người thương tôi nhất.
Nhưng lời vừa đến miệng, tôi bỗng do dự.
Tạm thời đổi lời: “Con vừa hơi đau bụng, giờ sắp xong rồi.”
Mẹ tôi dường như yên tâm.
“Xong rồi thì ra ngoài đi, ăn xong mẹ đưa con về nhà.”
Tôi nói: “Mẹ cứ lo việc của mẹ đi, con tự về được.”
Nhưng mẹ không đồng ý, cứ nhất quyết đòi đưa tôi về.
Tôi lờ mờ cảm thấy có gì đó không ổn, trước giờ mẹ đâu có căng thẳng như vậy.
Bà như đang để ý tôi, tại sao chứ?
Tôi mừng thầm vì lúc nãy đã cẩn thận, không kể chuyện mảnh giấy cho mẹ.
Để tránh bị phát hiện, tôi nhai nát mảnh giấy rồi nuốt vào bụng, sau đó mới bước ra khỏi nhà xí.
Vừa thấy tôi, mẹ lập tức kéo lấy tay tôi, nói muốn đưa tôi về.
Tôi bảo: “Chị họ tối nay xuất giá, con muốn vào chào tạm biệt chị ấy.”
Bởi theo tục lệ làng, những cô gái chưa gả chồng như chúng tôi không được tiễn dâu.
Mẹ tôi rõ ràng không vui, nhưng không chịu nổi tôi năn nỉ mãi, cuối cùng đành đồng ý.
“Vậy con đi nhanh đi, mẹ đợi con ngoài cửa phòng chị.”
03
Khi tôi bước vào, trong phòng chỉ có mỗi chị họ.
Chị mặc áo cưới đỏ rực, ngồi trên giường với vẻ e thẹn.
Chúng tôi trò chuyện đôi câu, đợi chắc chắn không có ai khác.
Tôi nhỏ giọng hỏi: “Chị, họ có nói với chị là gả đi đâu không?”
Chị họ lắc đầu, vẻ mặt đầy nghi hoặc.
“Không phải không được hỏi sao? Đến nơi rồi sẽ biết.
Trưởng làng nói bên đàng trai hơn ba mươi tuổi, có tiền, thương vợ, chị còn được xem ảnh rồi, nhìn cũng không tệ.”
Chị vừa nói vừa đỏ mặt.
Tôi hỏi: “Chị, chị không thấy kỳ lạ à? Những người chị lấy chồng trước kia chưa ai quay về cả.”
“Không ai quay lại thật, nhưng có mấy người biết chữ vẫn gửi thư về.”
Điều đó thì đúng, mấy lá thư ấy tôi cũng từng thấy, đúng là nét chữ của họ.
Nội dung đều na ná nhau, nào là cơm no áo ấm, chồng yêu con ngoan, thậm chí còn đi du lịch khắp nơi.
Thấy tôi im lặng, chị họ vỗ nhẹ tay tôi an ủi.
“Tiểu Nhã, em vẫn chưa hiểu à?
Sính lễ cao thế kia, cha mẹ mình chẳng khác gì đang bán con gái.
Rời khỏi làng rồi, ân tình cũng chấm dứt, không quay về cũng chẳng sao.”
Nghe cũng có lý, không ngờ chị họ lại nghĩ thông suốt như vậy.
“Tiểu Nhã, Tiểu Nhã…”
Mẹ tôi lại gọi ngoài cửa.
Sắp phải đi rồi, tôi vội hỏi câu cuối.
“Chị, mấy hôm nay, người nhà có phải luôn để mắt đến chị không?”
Trong mắt chị họ thoáng hiện lên vẻ nghi ngờ, nhưng rất nhanh đã dịu lại.
“Đúng thế, chắc là vì sắp không còn gặp nữa, nên ai cũng muốn ở cạnh chị nhiều hơn, dù sao cũng là người một nhà.”
“Chị… chị có sợ không?”
Chị họ cười: “Gả chồng là chuyện vui, lại được chính người nhà đưa đi, sợ gì chứ?
Tháng sau là tới em rồi, đến lúc đó sẽ là một tân nương xinh đẹp.”
Tôi không dám nói với chị chuyện mảnh giấy, vì quá đột ngột, bản thân tôi còn chưa hiểu rõ rốt cuộc là chuyện gì.
Ra khỏi nhà chị họ, tôi liền theo mẹ về nhà.
Trên đường, đầu óc tôi cứ luẩn quẩn mãi về chuyện mảnh giấy.
Đây là lần đầu tiên tôi bắt đầu hoài nghi chuyện lấy chồng.
Với tôi, hiện tại điều quan trọng nhất là chuẩn bị lên xe hoa.
Thế mà có người cảnh báo tôi phải chạy, tức là chuyện “chạy” còn quan trọng hơn cả chuyện cưới gả.
Vậy thì nguyên nhân phải chạy là do người tôi sắp lấy có vấn đề?
Tôi nghĩ mãi không ra.
Chỉ đành tiếp tục đoán xem ai là người để lại mảnh giấy.
Cô ấy thật sự vì lo cho tôi? Hay chỉ là một trò đùa ác ý?
Nếu là vì tốt cho tôi, vậy cô ấy nhất định biết bí mật gì đó, hơn nữa còn liên quan đến sự an nguy của tôi. Nhưng nếu là đùa giỡn, thì là vì tâm lý gì?
Ghen tị vì tôi được sính lễ cao, gả cho người giàu, nên bày trò dọa tôi chạy, để tôi bị bắt rồi cho bẽ mặt?
Suy đi tính lại, tôi vẫn thấy khả năng là vì tốt cho tôi thì nhiều hơn.
Trong làng, người biết chữ không nhiều, đa số là những người cùng thế hệ với tôi.
Nhiều năm trước, có một sinh viên đại học đi lạc từng ở lại làng tôi nửa năm, cô ấy từng dạy bọn trẻ chúng tôi học chữ.
Nửa năm sau cô rời đi, từ đó không có người ngoài nào đến làng nữa.
Nghĩ như vậy, phạm vi nghi ngờ cũng thu hẹp lại khá nhiều.
Người để lại mảnh giấy cần phải tiếp cận được tôi.
Nghĩ lại thật kỹ, hôm nay những người vừa biết chữ vừa có cơ hội ở gần tôi, chỉ có nhị tỷ tôi và hai người bạn cùng bàn là Liễu Hoa và Tiểu Lệ.
04
Liễu Hoa và Tiểu Lệ rất ngưỡng mộ tôi, cả hai đều mơ được gả lên thành phố để sống cuộc sống sung sướng. Có lẽ không phải là bọn họ.
Vậy thì chỉ còn nhị tỷ.
Nhị tỷ ban đầu cũng được nuôi nấng từ bé, chuẩn bị để gả lên thành phố.
Chỉ tiếc năm mười bảy tuổi, tỷ ấy không may ngã gãy chân.
Trưởng làng ra ngoài tìm một vòng không ai muốn, đành để tỷ ấy ở lại làng lấy chồng, sinh con.
Làng tôi là vậy, cô gái nào xấu xí hoặc tàn tật thì không thể gả lên thành phố, chỉ có thể ở lại làng.
Từ đó cha mẹ tôi thay đổi hẳn thái độ với tỷ ấy, chẳng còn thương yêu, chỉ còn mắng chửi, đánh đập. Cuối cùng gả cho gã trai làng hiền lành tên Thuận Tử.
Tiệc sinh nhật chị họ hôm nay là lần đầu tiên tôi gặp lại nhị tỷ sau khi tỷ ấy lấy chồng.
Hai chị em tìm một chỗ nói chuyện một lúc, nhị tỷ cười nói Thuận Tử đối xử với tỷ rất tốt, không đánh không mắng.
Chỉ là lúc trước cha mẹ tôi đòi sính lễ hơi cao, khiến Thuận Tử nợ một khoản, ngày nào cũng phải lên cổ lò làm việc, cực nhọc lắm.
Chưa nói được mấy câu, nhị tỷ đã đi giúp việc rồi.
Tôi nhìn bóng lưng khập khiễng của tỷ, trong lòng chua xót vô cùng.
Tỷ ấy từng là một bông hoa rực rỡ nhất làng này kia mà!
Nghĩ vậy, tôi càng tin chắc mảnh giấy kia là do nhị tỷ lén để lại.
Tỷ thương tôi từ nhỏ, chắc chắn sẽ không hại tôi.
Đúng lúc này, mẹ tôi như nhìn ra tôi có tâm sự, quay đầu lại nhìn tôi chằm chằm.
“Tiểu Nhã, sao không nói gì? Cứ cúi đầu đi mãi.”
Tôi lảng tránh: “Hôm nay nói nhiều với mấy chị em, nên hơi khô họng.”
“Hừ! Tưởng mẹ không biết à…”
Tim tôi khẽ thắt lại.
Bà biết gì sao?
“Chẳng phải là chị mày nói gì với mày à?”
Tôi thở phào.
“Con người con bé đó ấy mà, bụng dạ nặng nề, tâm tính cũng chẳng ra sao… Tự mình không có phúc, gãy chân khiến người thành phố chê bai, giờ lại chẳng muốn ai khác có được điều tốt đẹp.”
“Chị họ mày lấy được chồng tốt, sính lễ cao, nó tức phát điên lên, còn mắng chị họ mày là chết đến nơi rồi mà còn nằm mơ.”
“Ngày vui như vậy mà nói những lời xui xẻo, sau đó mới chịu xin lỗi, bảo là vì ghen tị nên mới mắng. Ông bác mày tức quá đuổi nó đi, đến bữa còn không cho ăn. Đáng đời nó… Mày đừng có mà nghe nó nói bậy.”
Mẹ cứ nói liên tục, giọng có phần lè nhè.
Tôi không vui khi nghe mẹ mắng nhị tỷ, bắt đầu thấy khó chịu.
“Mẹ, nhị tỷ không phải người như thế. Tỷ ấy chỉ nói chồng đối xử với tỷ không tệ.”
Mẹ nghiến răng: “Người ta sẽ thay đổi! Chồng nó không ra gì, thì tốt nổi gì với nó? Nó vốn định lên thành phố hưởng phúc, là do nó không có phúc phần!”
Suốt dọc đường về, mẹ tôi cứ thao thao bất tuyệt mắng nhị tỷ, giọng đầy hưng phấn.
Mắng đi mắng lại, cũng chỉ vì cái sính lễ đã mất.
Tôi nói: “Mẹ, mẹ uống nhiều rồi phải không?”
Bà cười khẽ, bảo hôm nay vui quá, uống hơi say.
Về đến nhà, mẹ cố chống người đi cho lũ lợn ăn, bước đi loạng choạng.
Tôi nói muốn đi ngủ, liền trở về phòng luôn.
Trên đường về, lời mẹ nói khiến tôi bắt đầu nghi ngờ suy luận ban đầu của mình.
Liệu nhị tỷ có thật lòng muốn nhắc nhở tôi?
Hay thật sự là vì ghen tị?
Nhưng câu “chị họ chết đến nơi rồi mà còn nằm mơ” lại khiến tôi lạnh sống lưng.
Những suy nghĩ ấy rối như tơ vò, quấn chặt lấy tôi không dứt.
Tôi nghĩ, muốn làm rõ chuyện này, chỉ còn một cách duy nhất.
Chính là đêm nay, lén ra ngoài, tận mắt nhìn xem lễ cưới của chị họ rốt cuộc là gì.