Nghiệp Đến Trễ Nhưng Vẫn Đến - Chương 2
05
Năm tôi chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học, có hai chuyện lớn xảy ra đã khiến số phận cả nhà tôi rẽ sang hướng khác.
Bố tôi và chú Phùng vốn là đồng nghiệp cùng phòng.
Trong lần cạnh tranh vị trí mới gần đây, chú Phùng đi cửa sau, đá văng bố tôi khỏi vị trí ứng tuyển, trở thành cấp trên trực tiếp của bố.
Lẽ ra, xét về năng lực và uy tín, bố tôi đều vượt xa chú ấy.
Nhưng không biết bằng cách nào, chú Phùng quen được với phó giám đốc.
Vị trí mới mà chú ta có được là do phó giám đốc vượt cấp chỉ định.
Từ đó, bố tôi rơi vào vòng xoáy chính trị chốn công sở, căng thẳng mệt mỏi triền miên.
Đúng lúc đó, ông nội tôi – người ở quê – qua đời.
Bố tôi xin nghỉ phép theo quy định, nhưng chú Phùng không duyệt.
Chú ta còn nói với bố tôi một câu kinh tởm: “Ai bảo người nhà anh chết không đúng lúc.”
Dây thần kinh lý trí cuối cùng trong đầu bố tôi đứt phựt.
Ông đấm chú Phùng ngay tại chỗ.
Sau đó, ông xông thẳng đến phòng giám đốc lớn nhất đơn vị, vừa nói rõ nỗi đau mất cha, vừa tố cáo câu nói vô nhân tính của chú Phùng.
Còn cảnh báo luôn: sau này nếu bị chú Phùng trả thù, từ việc xin nghỉ đến điều chuyển công tác, nếu ép quá, ông sẽ lại cho thêm một trận nữa, nhưng dù sao lần này nhất định ông cũng phải về quê tiễn cha lần cuối.
Bố tôi xưa nay nổi tiếng là người ôn hoà tử tế, đến lời nặng cũng chẳng ai từng nghe ông nói.
Vậy mà lần này lại bị chú Phùng chọc giận đến mức động tay động chân?
Giám đốc lập tức gọi chú Phùng vào, cửa còn chưa kịp khép, tiếng chửi vang sang tận hai ba tầng lầu.
Cuối cùng, chú Phùng bị mắng đến bật khóc.
Giám đốc càng tức, cho bố tôi về nhà trước, rồi gọi điện cho phó giám đốc đến phòng làm việc.
…
Bố tôi được phê duyệt nghỉ phép, về đến nhà, mẹ tôi cũng tức không chịu nổi: “Lão Phùng bị điên à? Hai người cùng vào đơn vị từ một đợt, quen biết cả chục năm, sao lại thốt ra được câu như thế!”
“Gì mà tình nghĩa chục năm? Một khi leo lên được vị trí rồi, người ta còn thèm để ý mấy cái tình nghĩa đó nữa không?”
Thì ra, tình cảm của người lớn, cũng mong manh dễ vỡ chẳng khác gì tình bạn của con nít.
06
Tôi cùng bố mẹ về quê.
Tang lễ của ông nội được tổ chức khá trang trọng, sau khi ông được an táng, bà con lối xóm lần lượt đến nhà dự tiệc đưa tiễn.
Sống – già – bệnh – chết vốn là lẽ thường, thì việc một mối quan hệ tan vỡ, chẳng lẽ lại là điều gì đó quá bất thường?
Trong buổi tiệc, bố tôi bật khóc, uống xong lại nôn ra.
Ông buồn đến mức không chịu nổi.
Mẹ tôi với bà nội ngồi tâm sự đến tận nửa đêm, chẳng ai ngủ được.
Hai người bắt đầu nói về chuyện ông nội nằm viện phẫu thuật: “Ông cụ trước kia quen biết nhiều người trong viện, cả bác sĩ chính mổ cho ông cũng là người quen, đã hẹn sẵn hôm đó mổ rồi. Ai mà ngờ đâu, có một nhà họ Phùng nào đó chen ngang, khiến bác sĩ chính bị điều đi chỗ khác. Ca mổ của ông vốn là ca tiểu phẫu, đổi người mổ cũng chẳng sao, vậy mà cuối cùng ông lại không qua được…”
Bố tôi nằm bên cạnh chợt tỉnh, lẩm bẩm hỏi: “Mẹ, mẹ nói nhà họ Phùng đó là ai?”
Bà nội cũng không rõ, chỉ kể rằng từng nghe y tá trong viện nói thoáng qua, hình như có họ hàng với phó giám đốc đơn vị của bố ở thành phố.
Bố tôi và mẹ nhìn nhau, không nói một lời.
Sau khi lo xong tang lễ, mẹ tôi nhờ một người họ hàng làm trong bệnh viện tìm hiểu.
Quả thật, người đã giành mất bác sĩ chính của ông nội, chính là ông ngoại của Phùng Vĩnh Tú.
“Sao lại trùng hợp đến vậy? Lại là người nhà họ Phùng?”
“Không sai đâu, người đàn bà đi ra đi vào hôm đó luôn miệng nhận mình là vợ của Trưởng phòng Phùng. Còn dúi phong bì dày cộp cho cả bác sĩ và y tá phụ trách ca mổ. Không thì đến cả bà nội cũng không thể nhớ rõ người ta họ Phùng làm gì.”
Chuyện lần này, cùng với bao nhiêu việc tôi không biết đã xảy ra trước kia, bỗng dưng như nối lại thành một chuỗi trùng hợp kỳ lạ đến rợn người.
07
Bố mẹ tôi ngồi lại tổng kết, ba năm trở lại đây, từng bước phát tài của nhà họ Phùng hầu như đều trùng khớp với những việc mà nhà tôi định làm hoặc sắp làm.
Dù nhà tôi cố gắng thế nào, cũng như bị một bàn tay vô hình từ nhà họ Phùng đè ép lên vậy.
“Rõ ràng đợt xét thăng chức đó đáng lẽ là của anh, sao lại rơi vào tay lão Phùng – một kẻ chỉ tốt nghiệp trung cấp?”
“Còn ca phẫu thuật của ông nội nữa thì sao?”
“Bây giờ nghĩ lại, mấy năm nay tâm trạng của Nam Thịnh cũng cứ mờ mịt, chẳng vui vẻ nổi, thi cử lúc nào cũng lưng chừng là vì bị Phùng Vĩnh Tú đè ép.”
“Anh biết sao được chứ? Chẳng lẽ nhà bọn họ biết trước tương lai?”
Bị “cướp vận may” nghe thì thật hoang đường.
Ban đầu, bố mẹ tôi cũng không muốn nghĩ theo kiểu mê tín.
Nhưng sau khi về lại thành phố, bố tôi liền bị điều chuyển xuống chức.
Bố tôi vốn là người ôm mộng văn nhân, sống theo kiểu nhẫn nhịn, “lùi một bước trời cao biển rộng”.
Cách phản kháng lớn nhất của ông chính là tìm đến lãnh đạo cấp cao để trình bày.
Nhưng sau đó thì sao?
Làm gì có công bằng nào ở đây?
Bố tôi bị điều xuống công tác ở một nơi xa xôi hẻo lánh.
Trong khi đó, chú Phùng lại được thăng chức thêm lần nữa, lần này còn kiêm cả mảng nhân sự và điều động cán bộ.
Muốn được điều về lại chỗ cũ?
Chờ đến năm con khỉ chắc cũng chưa tới lượt.
Lúc đó trong khu tập thể chỉ còn tôi và mẹ sống.
Nhưng mẹ tôi ở đơn vị cũng bị bao nhiêu ác cảm và châm chọc vô cớ.
Dì Phùng còn tổ chức tiệc mừng thăng chức cho chú Phùng, mời hết hàng xóm xung quanh, duy chỉ bỏ qua nhà tôi.
Cách làm lộ liễu như vậy, ai cũng hiểu là đang cố tình cô lập.
Không ít người khuyên mẹ tôi mang quà sang nhà họ xin lỗi, nhún một chút để dễ sống.
Mẹ tôi vốn đã không hiểu vì sao nhà họ Phùng lại ác ý với gia đình mình đến mức đó.
Nhưng nghĩ cho công việc của bố, mẹ vẫn cố gắng gượng cười mà đến nhà họ Phùng.
Nhà họ giờ đã khác xưa.
Cả căn hộ được trang trí theo kiểu châu Âu xa hoa, giữa phòng khách còn đặt một cây đàn piano, trên sàn gỗ bóng loáng là tấm thảm dệt hoa văn cầu kỳ.
Cùng sống trong khu tập thể, nhưng từ bên ngoài đâu ai ngờ nhà họ lại sang trọng đến thế.
Mẹ tôi đứng lúng túng không biết bắt chuyện ra sao.
Dì Phùng bực bội ném cho mẹ một đôi dép: “Nhà tôi mới lót sàn gỗ đấy, cẩn thận đừng để lại dấu chân.”
Mẹ tôi nén giận bước vào, thì đã nghe dì lạnh lùng nói: “Không có chuyện gì tốt đẹp thì đừng đến cửa người ta, giờ đến là có chuyện gì vậy?”
Mẹ tôi đành lôi món quà đã chuẩn bị ra.
Dì Phùng liếc mắt chép miệng hai tiếng: “Cái này? Nhìn là biết mua trong siêu thị gần nhà. Nhà tôi không nhận quà cáp đâu. Hộp quà hàng Nhật người ta tặng lần trước còn chưa buồn mở ra đấy.”
Ý trong lời không cần nói cũng rõ: nhà họ Phùng giờ nhiều người muốn lấy lòng đến mức không thèm để tâm đến cái thứ rẻ tiền này.
Mẹ tôi hiểu ra, dù có cúi đầu nhún nhường, cũng chẳng lọt vào mắt họ.
Lúc chuẩn bị về thì Phùng Vĩnh Tú về tới nhà.
Cô ta giờ đã lớn, dáng người cao ráo, váy áo hàng hiệu sang chảnh.
Gương mặt xinh xắn lúc đầu ngạc nhiên, sau liền thay bằng kiểu khinh thường y hệt mẹ mình.
“Cô Khúc đến chơi à?”
Rồi đảo mắt nhìn món quà đặt trên bàn trà: “Cô đến chúc mừng cháu đỗ trường trọng điểm của thành phố à? Tiếc là cháu không học cấp hai ở đây đâu.”
Dì Phùng cố tình thêm một câu nữa: “Nhà tôi giờ khác rồi. Lão Phùng thăng chức, con gái thì đậu vào trường cấp hai trọng điểm của tỉnh A, vài ngày nữa là lên A thị học rồi. Ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây, cuối cùng thì nhà tôi cũng khác biệt rồi.”
Mẹ tôi không nói lời nào nữa, bỏ lại món quà rồi quay lưng đi.
Cánh cửa vừa đóng lại, tôi vẫn nghe rõ cuộc nói chuyện sau đó vang ra từ trong nhà: “Mẹ, nhà họ Khúc còn mò đến đây làm gì?”
Dì Phùng hạ giọng nói lý do.
Phùng Vĩnh Tú đáp, đầy vẻ đắc ý và khinh miệt: “Chú Khúc thì bị điều đến cái nơi quái quỷ không ai muốn tới, Khúc Nam Thịnh thì chỉ đủ điểm vào trường cấp hai địa phương, cái nhà ấy mục nát từ trong ra ngoài rồi. Còn dám mang cái đồ rẻ tiền đó đến xin xỏ ba? Lấy đâu ra tự tin thế không biết?”
Bị nhà họ Phùng dè bỉu từ trên xuống dưới, mẹ tôi không về nhà mà bắt xe đi thẳng đến nơi bố tôi đang công tác.
Mẹ bảo: “Nhà họ Phùng giờ không chỉ đơn giản là gây khó dễ nữa rồi, mà là muốn đè bẹp cả nhà mình! Còn nhịn nữa thì có ích gì?!”
08
Chẳng bao lâu sau, bố tôi chính thức nộp đơn xin nghỉ việc ở cơ quan cũ, mẹ tôi cũng làm đơn xin tạm ngừng công tác không lương.
Cả hai quyết định rời khỏi quê nhà, chuyển xuống phía Nam, đến thành phố P để lập nghiệp.
P là một trong những thành phố phát triển kinh tế hàng đầu cả nước lúc bấy giờ.
Bố tôi tốt nghiệp đại học chính quy, mẹ tôi tuy chỉ học cao đẳng nhưng cũng có tay có chân, chẳng lẽ lại chết đói?
Đây có lẽ là quyết định liều lĩnh nhất trong cả đời bố mẹ tôi.
Bởi trong mắt nhiều người, việc từ bỏ cuộc sống ổn định trong thể chế nhà nước, dắt díu nhau đến một thành phố xa lạ không quen biết ai, tuổi trung niên còn mơ mộng bắt đầu lại… chỉ là nước đổ lá khoai.
Ngay cả tôi cũng không ngờ bố mẹ lại dám bước được bước này.
Ngày nhà tôi chuyển đi, trùng hợp thay, nhà họ Phùng cũng đang dọn nhà.
Chú Phùng vừa mua được một căn hộ cao cấp rộng 200 mét vuông ở trung tâm thành phố.
Tầng cao có thể nhìn xuống cảnh đông đúc của thành phố, cùng con sông dài uốn lượn chảy qua.
Y hệt những lời quảng cáo bất động sản: “Cuộc sống thư thái của người thành đạt.”
Phùng Vĩnh Tú khoe lên QQ ảnh phòng ngủ riêng của mình, trang trí theo phong cách Disney.
Cô ta còn tự hào viết:【Tôi thật sự cảm thấy mình chính là công chúa.】
So với họ, nhà tôi chuyển đi trông thật thảm hại: mỗi người đeo một ba lô lớn, kéo theo một vali, trông bụi bặm thê thảm.
Mẹ tôi tức đến tím mặt: “Thấy chưa, còn nói nhà họ Phùng không cố ý? Ngay cả ngày chuyển nhà cũng chọn trùng nhau!”
Bố tôi chau mày nhìn chiếc xe tải đang chất đầy đồ đạc của nhà họ Phùng, thở dài một tiếng: “Thay vì ghen tị với cuộc sống người khác, chẳng bằng tự xây dựng lại cuộc sống của chính mình.”
Rồi ông lại trích một câu trong sách ra đọc cho tôi nghe: “Bị mảnh đất cằn cỗi ràng buộc thì chỉ có chết đói, vì thế động vật mới có bản năng di cư.”
Tôi hỏi: “Bố ơi, rồi mình có quay về không?”
Bố mẹ nhìn nhau, trong ánh mắt chứa đầy nỗi buồn mà một đứa trẻ như tôi không thể hiểu – nỗi buồn mưu sinh của người lớn.
Chúng tôi đứng bên đường chờ xe khách đường dài, tôi trông coi hành lý.
Phùng Vĩnh Tú tươi cười rạng rỡ đi tới.
“Khúc Nam Thịnh, nhà cậu là đang chạy loạn đấy à?”
Tôi trừng mắt nhìn cô ta, muốn chửi một câu, nhưng sợ làm phiền tới bố mẹ.
Phùng Vĩnh Tú lại tiếp tục: “Cậu chắc chắn không ngờ được đâu, những ngày tháng tươi đẹp mà nhà tôi có được bây giờ, vốn dĩ là của nhà cậu đấy. Là tôi quay lại một lần nữa, cướp đi từng chuyện một. Khúc Nam Thịnh, trước đây cậu oai lắm đúng không? Lần này đến lượt tôi đứng trên cao thương hại cậu rồi, hahaha…”
Lúc ấy tôi hoàn toàn không hiểu cô ta đang nói gì, chỉ thấy nụ cười của cô ta thật đáng ghét.
Đợi cô ta cười xong, tôi mới nói: “Tôi cần cậu thương hại chắc? Chúng ta không phải bạn, không phải người thân, giờ đến hàng xóm cũng không phải, cậu quan tâm tôi làm gì? Muốn tôi để ý đến cậu đến thế à?”
Phùng Vĩnh Tú nghẹn họng.
Tôi nói tiếp: “Nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì cũng chưa đến nỗi. Nếu cậu thực sự sống tốt như vậy, sao còn phải bận tâm tới tôi? Chẳng lẽ cậu sợ, có ngày sống không bằng tôi sao?”
Phùng Vĩnh Tú sững người, trợn to mắt, như thể muốn xé xác tôi ra vậy.
Tôi không hiểu vì sao cô ta lại thù tôi đến mức ấy, nên buông thêm một câu: “Nhà tôi đi rồi, sẽ không quay lại nữa. Cậu sống thế nào, liên quan gì đến tôi? Trông cậu như hề ấy, cứ cố làm cho người ta chú ý.”
Chiếc xe khách dài dừng lại bên đường, cả nhà tôi lên xe.
Từ cửa sổ nhìn ra, vẫn thấy Phùng Vĩnh Tú đứng nguyên tại chỗ, như đang tức đến phát run.
“Phùng Vĩnh Tú nói gì với con thế?”
Tôi kể lại hết.
Bố mẹ tôi lập tức nghiêm mặt, nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mắt lạnh băng.
Phùng Vĩnh Tú dường như cũng cảm nhận được gì đó, nhưng cái nụ cười châm chọc trẻ con kia không thể lay chuyển nổi người lớn.
“Tới trạm sau, con sẽ gửi đơn đăng ký học.”
“Con không sợ à?”
“Sợ gì chứ. Mảnh đất cằn cỗi này không giữ nổi con, mà con cũng chẳng buồn luyến tiếc nó.”