Nghiệp Đến Trễ Nhưng Vẫn Đến - Chương 6
18
Nhà gọi điện cho tôi.
Hóa ra bố mẹ cũng bị thuật toán đẩy video liên quan đến Phùng Vĩnh Tú vào khung đề xuất.
“Con à, xảy ra chuyện lớn vậy mà sao không nói với bố mẹ gì cả?”
Tôi áy náy đáp:
“Bố mẹ đừng lo, con không sao đâu.”
Bị Phùng Vĩnh Tú cắm sừng, thật sự không phải chuyện gì đáng để khoe ra, tôi cũng chẳng muốn kể.
Nhưng bố mẹ bảo có việc gấp, yêu cầu tôi lập tức về nhà.
Vừa đúng dịp Tết, tôi xin nghỉ ở công ty.
Sếp tôi bảo: “Cứ đi đi chị ơi. Tết xong còn chờ chị dẫn team tụi em lên sóng nữa đó!”
Tôi vừa về đến P, bố mẹ đã kéo tôi về quê.
Tết năm nay cả nhà về ở với bà nội dưới quê.
Có mấy người quen trong làng mời dự tiệc, chú bác cô dì ngồi cùng bàn đều vui vẻ khen tôi là “hotgirl mạng”.
Tôi được khen đến mức da đầu tê rần.
Một ông chú uống hơi nhiều, nói với bố tôi:
“Lão Khúc à, con gái ông ra trò đấy. Lên mạng coi như thay ông đòi lại mặt mũi rồi!”
Bố tôi khựng lại một chút, không đáp gì.
Chú kia vẫn tiếp tục: “Nhớ cái thằng tiểu nhân lão Phùng không? Lúc nó vừa lên chức nửa năm, cả phòng tụi tôi là bị chèn ép nhiều nhất, làm thì vắt kiệt sức, cuối năm tiền thưởng nó hốt sạch. Mà nếu không nhờ ông viết thư khi đó…”
Bố tôi vỗ vai ông ta: “Nó vô tù rồi.”
Chú ấy liếc nhìn tôi với mẹ, rốt cuộc cũng nén lại, chỉ lẩm bẩm: “Chuyện qua rồi, rót hết vào rượu đi.”
Rồi dốc cạn ly.
Tối đó về nhà, tôi mới hỏi bố mẹ về “bức thư” kia.
Mẹ hỏi tôi có còn nhớ vì sao năm xưa nhà mình phải rời quê không.
“Con nhớ chứ. Còn không phải vì chú Phùng giành vị trí thăng chức của bố, rồi chèn ép đủ điều ở đơn vị à…”
Mẹ bảo: “Không chỉ vậy đâu, con còn nhớ ông nội mất vì sao không?”
Tôi nhớ lại, hình như cũng có dính líu đến ông ngoại nhà họ Phùng.
Bố nói khẽ: “Chuyện trùng hợp xảy ra quá nhiều, thì không còn là trùng hợp nữa – mà là có chủ đích.”
Tôi nhìn lại chuỗi năm tháng bị ràng buộc với Phùng Vĩnh Tú, đúng là có một sự kỳ quái và ám ảnh khó nói thành lời.
Cô ta gần như mắc chứng rối loạn so sánh – ám ảnh muốn đạp lên cuộc đời tôi.
Mẹ tôi nói: “Gọi con về lần này là có lý do. Mai con sẽ hiểu.”
Hôm sau, sáng sớm, bố mẹ rủ tôi đi leo núi.
Mới tới lưng chừng núi thì dừng lại.
Mẹ chỉ xuống phía một ngôi làng bên dưới.
Một chiếc xe cấp cứu dừng ở đầu làng.
Vài người đàn ông đang vác một người phụ nữ giãy giụa như đang khuân heo sống, gắng sức nhét vào xe cứu thương.
Khi xe chạy lên khúc cua đèo, tôi mới nhìn rõ dòng chữ trên thân xe – bệnh viện tâm thần.
Tôi ngẩn người: ???
Chẳng lẽ là…
Mẹ tôi gật đầu rất khẽ.
“Bà cụ nhà họ Phùng trọng cháu trai, bắt Vĩnh Tú ký giấy từ bỏ quyền thừa kế, cô ta không chịu. Tết nào cũng về làng làm loạn. Năm nay khác hơn, uống rượu xong thì hét um lên, nói mình là người trọng sinh, bà cụ năm sau sẽ chết, giữ tiền làm gì… Rồi nói em trai là không sống được, kiếp trước đâu có tồn tại thằng đó… Tóm lại, ngay đêm giao thừa mà chửi hết cả làng, rủa người ta chết hết.”
“Cô ta mấy năm nay cứ gào mình sẽ gả sang Thượng Hải. Nhưng vụ lùm xùm trên mạng lan rộng quá, dân quê ai mà không biết bộ mặt thật nữa? Còn ai chiều được cô ta?”
Tôi nghe xong, thật sự không biết nên làm biểu cảm gì.
Bố nói tiếp: “Trong làng bàn nhau lâu rồi, chắc là cô ta bị sốc tâm lý do bị công kích trên mạng. Giờ đang gom tiền đưa cô ta vào viện điều trị.”
Tôi buột miệng: “Có người tốt nào chịu góp tiền vì chuyện đó chứ?”
Bố mẹ đồng loạt nhìn tôi như nhìn một khúc gỗ, rồi chẳng nói gì, lẳng lặng xuống núi.
Tôi lật đật chạy theo sau.
“Bố mẹ nghĩ… trên đời này thật sự có chuyện trọng sinh không?”
Bố tôi đáp: “Đời người là đồng hoang chứ không phải đường ray. Nếu có người lặp lại được thành công của nhà khác, thì chẳng khác gì cướp đi mọi khả năng mà nhà đó có thể đạt được. Nhà mình thì mãi mãi phải sống tệ hơn sao?”
Mẹ tôi tiếp lời: “Mẹ chưa từng nghe ai sống suôn sẻ mãi, huống chi là cuộc đời đi ăn cắp của người khác.”
Ngay khoảnh khắc đó, tôi như chợt thông suốt rất nhiều điều.
Mỗi người đều có vô vàn khả năng trong cuộc đời mình.
Nhưng với một kẻ đi ăn cắp, họ lại nghĩ cuộc đời chỉ có duy nhất một đường ray phải chạy theo.
19
Tôi về đến nhà, lập tức bắt đầu tra cứu.
“Dân mạng vạn năng” từ lâu đã bóc được vài tài khoản phụ của Phùng Vĩnh Tú trên mạng xã hội.
Tôi tìm được một cái Weibo cũ của cô ta.
Trên đó có ghi lại những dòng nhật ký từ thời dậy thì.
Bình luận bên dưới đầy rẫy những lời chửi rủa: ảo tưởng, điên loạn, đáng sợ đến kinh người.
Tôi xem từng dòng — đều là những câu chữ phát cuồng được viết dưới góc nhìn của một “người trọng sinh”:
Phùng Vĩnh Tú viết rằng sau khi “sao chép” được đường phát đạt của nhà tôi, nhà cô ta thật sự từng có những ngày huy hoàng.
Là người trọng sinh, việc toả sáng trong những năm tiểu học không phải chuyện khó.
Nhưng từ cấp hai trở đi, cô ta dần cảm thấy bất lực với chuyện học hành.
Và rồi, cô ta chuyển hướng — muốn “gả vào hào môn”, nằm im cũng có thể sống sung sướng.
Cô ta từng nghĩ nhà mình đời này đã giàu hơn kiếp trước rất nhiều, nhưng khi thật sự đuổi theo “học bá” hay “trùm trường”, mới phát hiện nhà mình vẫn chẳng cùng đẳng cấp với giới giàu thật sự.
Đúng lúc đó, gia đình bắt đầu kéo chân cô ta lại.
Bố thì vì tham mà dính líu đủ đường, còn nuôi cả tiểu tam sinh con riêng.
Mẹ thì điên cuồng bảo vệ gia đình, suốt ngày chửi rủa, lôi nhau ra đấu đá.
Cuối cùng, bê bối nhà họ Phùng rơi rụng đầy trời, bố Phùng trở thành cái đích cho mọi người dẫm lên.
Cuộc đời cô ta trượt vào bi kịch y như mấy phim “đấu đá gia tộc”.
Học hành buông bỏ hoàn toàn.
Cô ta không ngờ, nhà mình — cái nơi từng “sao chép” thành công từ tôi — lại sụp đổ thành một đống hoang tàn.
Tài nguyên ít ỏi trong nhà, thì người mẹ mang đi mất, hoặc được ông bà giữ lại cho cậu “em trai” — một người vốn chẳng hề xuất hiện ở “kiếp trước”.
Đời cô ta nổ tung lần này đến lần khác, cuối cùng ngay cả đại học cũng không đậu nổi.
Ha.
Tính cách quyết định số phận.
Bố mẹ cô ta đâu phải là bố mẹ tôi.
Trên con đường “sao chép” ấy, họ làm sao có thể đưa ra những lựa chọn y chang, để rồi nhận được kết quả giống hệt?
Ở những dòng Weibo gần đây hơn, tâm lý cô ta đã hoàn toàn sụp đổ.
Cô ta tin rằng, là người trọng sinh, thì cuộc đời đáng lẽ phải khác.
Cô ta nhất định phải sửa sai.
“Sửa sai” — chính là phải quay về “đúng đường ray”, tiếp tục đi giành lấy cuộc đời thành công vốn thuộc về người khác.
Mà “người khác” ấy, chính là tôi.
Thời đại học, tôi ít chia sẻ hơn hồi nhỏ.
Vậy mà chỉ cần vài dòng cập nhật trong vòng bạn bè, cô ta cũng lần ra được trường tôi học, bạn trai tôi là ai, và cả những quán ăn tôi thường lui tới.
Từ mạng xã hội của Chu Nhiên, cô ta tìm hiểu tính cách, sở thích, rồi lập ra kế hoạch tiếp cận chẳng khác gì “bẫy tình lừa tiền”.
Không ngờ là — gần như không tốn sức gì, cô ta đã có được Chu Nhiên.
Sau đó, tôi lại ra nước ngoài.
Nhưng với cô ta thì điều đó chẳng đáng kể gì.
Vì theo “kiếp trước” mà cô ta tưởng tượng ra, tôi sẽ lấy chồng giàu, cả đời chỉ yêu một người.
…
Tôi nhìn đoạn sau mà cũng không biết nên nói gì.
Thật lòng mà nói, tôi cũng muốn chúc cô ta thành công ấy chứ.
Nhưng phần bình luận thì — đúng là chê đến tột cùng:
【Thời đại nào rồi, còn tưởng gả cho một người đàn ông là đủ ăn đủ mặc cả đời?】
【Nếu Chu Nhiên mà thật sự có thể thành đại gia, thì cô còn chê nhà anh ta bé như ổ chuột làm gì?】
【Một vở kinh dị tình yêu Thượng Hải mà ngay cả người Thượng Hải cũng thấy điên rồ.】
…
Giữa những lời giễu cợt và mắng chửi, cuộc đời của một “người trọng sinh” như cô ta chính thức tan thành mây khói.
Tôi khép laptop lại.
Đúng lúc bố gọi tôi ra ngoài đốt pháo.
“Xua tà trừ xui, từ đây toàn là ngày lành.”
Tiếng pháo bôm bốp vang khắp sân.
Mạnh đến mức như thể đang xua đi hết mọi vận rủi cũ kỹ còn sót lại.
— Toàn văn kết thúc。