TRÁO ĐỔI CUỘC ĐỜI - Chương 2
Mỗi ngày, họ bắt tôi giải một lượng bài tập vượt xa khả năng của một đứa trẻ. Không làm được thì không được ăn cơm. Trên cơ thể tôi, ở những nơi quần áo có thể che đi đầy những vết thương chưa bao giờ lành hẳn.
Có những ngày khi tâm trạng không tốt, họ sẽ nhốt tôi vào một căn phòng tối tăm chật chội.
Lần tôi bị nhốt lâu nhất là suốt hai ngày một đêm.
Từ đó về sau tôi không dám ngủ trong bóng tối, không dám ở một mình trong căn phòng không có ánh sáng. Chỉ cần có một tia sáng cũng đủ để tôi bấu víu.
Tôi nhẫn nhịn mọi thứ, không dám ngừng học hành dù chỉ một ngày. Khi đó, tôi còn quá nhỏ chẳng có khả năng phản kháng, chỉ biết cắn răng chịu đựng và làm theo mọi sắp đặt của họ.
Phải đến khi lên đại học, tôi mới âm thầm thu thập bằng chứng và quyết tâm đưa họ ra tòa, hoàn toàn cắt đứt quan hệ với họ.
Nhưng ngay trước ngày tôi phơi bày tất cả trước ánh sáng, em gái ‘thân yêu’ của tôi đã lao xe tông thẳng khiến tôi nát tan thành m.á.u thịt.
May thay, ông trời đã cho tôi một cơ hội làm lại từ đầu.
5.
Từ khi được nhận nuôi vào nhà họ Lục, cuộc sống của tôi tốt hơn kiếp trước gấp trăm lần.
Lúc này tôi mới nhận ra, hóa ra tất cả những lời buộc tội mà Trần Du Du từng nói về nhà họ Lục đều là những lời bịa đặt. Họ không quá thân thiết với tôi, nhưng cũng không hề hà khắc.
Mọi thứ từ ăn uống, quần áo đến vật dụng sinh hoạt, tôi đều được đối xử ngang hàng với Lục Minh Thanh.
Họ cũng thường quan tâm đến cuộc sống của tôi, nhưng chưa bao giờ áp đặt bất cứ kỳ vọng nào lên người. Cứ thế, chúng tôi bình thản chung sống trong vài năm.
Mối quan hệ giữa tôi và Lục Minh Thanh cũng dần thay đổi, từ ‘Không được gọi tôi là anh!’ thành ‘Sau này chỉ được phép gọi tôi là anh!’.
Tôi tình cờ biết được một sự thật: Lục Minh Thanh mắc chứng rối loạn cảm xúc. Lý do nhà họ Lục quyết định nhận con nuôi là vì mẹ Lục bị tổn thương nghiêm trọng sau khi sinh, nên không thể tiếp tục mang thai.
Cha mẹ Lục bận rộn cả ngày, nghe theo lời khuyên của bác sĩ cho anh ấy uống thuốc điều trị, đồng thời nhận nuôi một đứa trẻ để làm bạn với anh. Ban đầu, mẹ Lục thực sự đã để mắt đến em gái tôi— một cô bé hoạt bát và đáng yêu hơn tôi rất nhiều.
Nhưng chỉ trong một ánh nhìn, bà đã nhận ra sự chống đối ẩn giấu trong đôi mắt cô ta. Vậy nên bà mới thuận theo mà chọn tôi.
Giờ đây, dưới sự chăm sóc của nhà họ Lục tôi đã hoàn toàn lột xác, chẳng còn chút bóng dáng nào của quá khứ.
Nhưng Trần Du Du thì không như vậy.
Từ khi học tiểu học, cô ta đã luôn chăm chăm theo dõi tôi. Cả ngày chỉ quan tâm đến tôi thay vì tập trung vào bài giảng. Thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp ánh mắt đầy âm u mà cô ta ném về phía mình.
Kiến thức ở cấp tiểu học và trung học cơ sở vẫn chưa đủ để làm khó cô ta. Nhưng đến khi lên cấp ba, sắc mặt của Trần Du Du ngày càng kém đi. Có một khoảng thời gian, cô ta gầy đến mức biến dạng, thành tích thì chỉ miễn cưỡng đạt mức trung bình.
Có lẽ vì sợ bị người ngoài phát hiện điều gì đó bất thường, vợ chồng nhà họ Trần không dám hành hạ cô ta quá mức.
Nhưng Trần Du Du vẫn cắn răng chịu đựng. Có lẽ, cô ta tin rằng chỉ cần thi đỗ đại học thì cuộc đời cô ta sẽ rẽ sang một hướng khác.
Cô ta tin rằng mình sẽ giống tôi trong kiếp trước, thoát khỏi nhà họ Trần và gặp được thiếu gia nhà họ Cố.
Quan trong hơn cả, là cô ta luôn chờ đợi… Đợi đến ngày tôi bị nhà họ Lục tống ra khỏi cửa.
Nhưng… Ông trời không bao giờ ưu ái kẻ lười biếng.
Cô ta dựa vào cái gì để có thể leo lên đỉnh cao?
Và rồi, cô ta chứng kiến cảnh cả nhà họ Lục cùng nhau đưa tôi đi thi đại học. Cô ta cũng chứng kiến tôi là người đầu tiên bước ra khỏi phòng thi, được phóng viên phỏng vấn và chụp ảnh cùng ba người nhà họ Lục với một bầu không khí vô cùng ấm áp.
6.
Xuyên qua đám đông, tôi nhìn thấy Trần Du Du đang vẫy tay về phía mình dường như muốn nói gì đó.
Tôi nghĩ với thành tích hiện tại của cô ta, chắc chắn sẽ không thể vào cùng một trường đại học với tôi. Sau này, có lẽ chúng tôi sẽ không còn cơ hội gặp lại nhau nữa.
Vì vậy, tôi khẽ gật đầu chào người nhà họ Lục rồi một mình bước về phía cô ta.
Ánh mắt của Trần Du Du sâu thẳm và u tối, hốc mắt hõm sâu cùng sắc mặt nhợt nhạt khiến trong đôi mắt lại ánh lên vẻ độc ác.
Khoảnh khắc ấy, hình ảnh cô ta trong kiếp trước ngồi trong xe với khuôn mặt dữ tợn chợt trùng khớp với hiện tại.
Tôi vẫn giữ nét mặt điềm nhiên: “Có chuyện gì?”
Sắc mặt của Trần Du Du vặn vẹo, hoàn toàn không còn che giấu sự oán hận dành cho tôi nữa: “Tại sao chị có thể sống hạnh phúc như vậy?! Chị đáng lẽ phải chec cùng với bố mẹ đi! Chị dựa vào đâu mà cướp lấy cuộc đời của tôi! Đó là cha Lục và mẹ Lục của tôi!”
Nói xong, cô ta giơ tay lên định tát tôi. Ánh mắt tôi khẽ run lên, bàn tay vô thức che lấy vết sẹo trên cánh tay.
Tôi không né tránh.
Nhưng cái tát đó không rơi xuống mặt tôi. Lục Minh Thanh đã chắn ngay bên cạnh tôi, bắt trọn cánh tay đang vung xuống của Trần Du Du.
Ánh mắt anh lạnh lẽo, chằm chằm nhìn cô ta: “Cô định làm gì?”
Trần Du Du tròn mắt không thể tin được, vội vã rút tay về: “Anh… Anh trai, sao anh lại giúp cô ta?!”
Lục Minh Thanh bật cười đầy châm biếm: “Cô ấy là em gái tôi. Tôi không giúp em gái mình, chẳng lẽ lại giúp cô?”
Trần Du Du như bị một cú đả kích lớn: “Em mới là em gái của anh… Minh Thanh ca ca, em là Du Du mà!”
Lục Minh Thanh nghe đến hai chữ ‘ca ca’ liền lập tức lùi lại hai bước, còn không quên kéo tôi theo: “Em gái, mình đi thôi. Nơi này bẩn lắm!”
Tôi không nói gì, mặc cho anh ấy kéo mình đi xa khỏi chỗ đó. Nhưng những lời của Trần Du Du lại khiến tôi nhớ đến trận hỏa hoạn mà tôi không bao giờ muốn nhắc lại nữa…
7.
Bố mẹ mà Trần Du Du nhắc đến chính là bố mẹ ruột của chúng tôi. Họ chỉ là những công nhân bình thường, nhưng cuộc sống của chúng tôi khi ấy vẫn rất hạnh phúc.
Bố thỉnh thoảng tan làm về sẽ mua cho chúng tôi hai chiếc bánh nhỏ xinh. Mẹ mỗi ngày đều tết tóc thật đẹp cho hai chị em, thi thoảng còn mua những chiếc váy đáng yêu rồi dắt tay chúng tôi đến trường.
Thế nhưng, không hiểu tại sao họ bỗng dưng thay đổi. Em gái tôi miệng lưỡi ngọt ngào và thích sà vào lòng bố làm nũng, rồi quay sang bảo tôi nhường phần bánh của mình cho em.
Em gái tôi đáng yêu hoạt bát thích ôm lấy mẹ, nhõng nhẽo bắt tôi cùng đóng kịch. Trong vở kịch đó, em là công chúa còn tôi chỉ là một nha hoàn.
Cứ như thế, dần dần… Mỗi lần bố đi làm về, cả hai chiếc bánh đều thuộc về em gái. Nếu Du Du ăn không hết, phần còn thừa mới đến lượt tôi.
Mẹ cũng không còn tết tóc cho tôi nữa. Thay vào đó, mỗi sáng tôi phải chải tóc cho em trước rồi mới có thể buộc tóc cho mình.
Những chiếc váy mẹ mua cho em, đến khi cũ đi mới được đưa cho tôi mặc lại.
Tôi không hiểu… Tôi đã từng phản kháng và từng khóc lóc.
Nhưng thứ tôi nhận được chỉ là ánh mắt lạnh nhạt và những lời châm chọc của bố mẹ: “Du Du là em gái, con nhường nó một chút thì sao? Nó đáng yêu như vậy, còn con thì sao? Ngay cả mở miệng cũng không chịu nói một câu!”
Nhưng… bố mẹ ơi, con trước đây không hề như vậy…
Hết lần này đến lần khác phản kháng vô ích, tôi dần dần trở nên trầm mặc ít nói.
Có lẽ… là tôi thay đổi trước.
Cũng có lẽ… vì tôi không còn đáng yêu, nên bố mẹ mới không còn yêu tôi nữa. Họ dành tình thương cho em gái ngọt ngào và hoạt bát hơn, cũng không sao cả.
Năm tôi lên năm, tôi đã nghĩ như vậy.
Một ngày nọ, em gái lại mè nheo bắt tôi cùng đóng kịch yêu thích nhất của em… công chúa và nha hoàn.
Trong vở kịch, nha hoàn phải tự tay làm điểm tâm dâng lên công chúa. Nhưng tôi không biết làm, chỉ có thể đứng ngây ra ở cửa bếp.
Và một lần nữa, tôi lại bị bố mẹ mắng nhiếc không thương tiếc: “Chỉ là diễn trò thôi, sao phải làm quá lên thế? Trước đây không phải mẹ đã dạy con rồi sao?”